Diễn biến Chiến_tranh_Đông_Dương

Giai đoạn 1946-1949

Cuộc chiến tại các đô thị phía Bắc

Tượng đài kỷ niệm Trận Hà Nội mùa đông 1946-1947

Tại Hà Nội, đúng 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy, 20 giờ 3 phút, đèn điện trong thành phố vụt tắt, ít phút sau, pháo binh Việt Nam từ pháo đài Láng bắn dồn dập vào Thành. Sau đó, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, đăng trên báo Cứu quốc và các báo Hà Nội, với lời thề quyết tử: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!".

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nổ súng chống Pháp tại nhiều khu vực thành thị trên cả nước: Hà Nội, Nam Ðịnh, đường số 5, Vinh, Huế, Đà Nẵng... hoàn thành nhiệm vụ bao vây kìm chân và tiêu diệt quân Pháp, tạo thời gian cần thiết để quân chủ lực tản về các căn cứ ở nông thôn và để các cơ quan, công xưởng di chuyển lên vùng chiến khu.

Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, quân Pháp phải chiến đấu giành giật từng con phố và phải chịu thương vong lớn, khoảng 100 lính Pháp được coi là bị giết, 45 công dân châu Âu thiệt mạng, 200 người mất tích[276] Trong một hoàn cảnh chiến đấu vô cùng khó khăn và chênh lệch về vũ khí, sau 57 ngày đêm chiến đấu ngoan cường trong lòng thành phố, đến đêm 17 tháng 2 năm 1947 Trung đoàn Thủ Đô mới rút ra khỏi nội thành.[277] Theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, đa số nhân dân Hà Nội và vùng ven cũng như các vùng chiến sự cũng đã bỏ thành phố vượt sông Hồng tản cư về vùng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát, tạo thế vườn không nhà trống, đồng thời tiêu thổ kháng chiến phá hủy cơ sở hạ tầng không cho Pháp sử dụng[278].

Các nỗ lực ngoại giao

Hồ Chí Minh vẫn chưa bỏ cuộc trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình. Ngay ngày đầu tiên của cuộc chiến, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rải truyền đơn trên đường phố Hà Nội thông báo với "nhân dân Pháp" rằng chính phủ Việt Nam sẵn lòng tồn tại hòa bình trong Liên hiệp Pháp, rằng chiến tranh nổ ra là do "bọn thực dân phản cách mạng tìm cách chia rẽ và gây chiến", rằng chỉ cần Pháp công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam thì thái độ hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc sẽ được lập tức khôi phục. Ngày hôm sau, đài Việt Minh bắt đầu định kì phát các lời kêu gọi tái đàm phán. Ngày 23 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ các lãnh thổ thuộc địa, và tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque, đề nghị một cuộc họp giữa đại diện cả hai bên. Một vài ngày sau, ông chính thức đề nghị ngừng bắn và tổ chức một cuộc hội nghị hòa bình mới tại Paris trong khuôn khổ Hiệp định sơ bộ hồi tháng 3.

Nhà Xã hội chủ nghĩa Marius Moutet đã được gửi đến tìm hiểu về triển vọng chính trị, và trở về với kết luận rằng chỉ có một giải pháp quân sự đã được hứa hẹn. Như Đô đốc d'Argenlieu, Moutet tin rằng có thể sẽ không có cuộc đàm phán với Hồ Chí Minh. Ông đã viết về "vỡ mộng tàn nhẫn của thỏa thuận mà không thể được đưa vào hiệu lực...", và tuyên bố rằng: "Chúng tôi không còn có thể nói về một thỏa thuận tự do giữa Pháp và Việt Nam... Trước bất kỳ cuộc đàm phán ngày hôm nay, cần thiết phải có một quyết định quân sự". Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier - một đại biểu xã hội chủ nghĩa, thông báo rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: "Độc lập trong Liên hiệp Pháp [và] liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó" và Pháp sẵn sàng đàm phán một cuộc hòa giải với những đại diện chân chính ở Việt Nam[279].

Trả lời phỏng vấn với Tướng Georges Catroux vào tháng 1 năm 1947 ở Moscow, bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Vyacheslav Mikhailovich Molotov nói rằng “ông hy vọng rằng Pháp và Việt Nam có thể đạt được một thoả thuận khiến cho cả đôi bên đều hài lòng,” và không dẫn đến việc tái thiết “một chế độ cai trị thực dân”. Liên Xô không trợ giúp cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng không đưa vấn đề Việt Nam ra Liên hiệp quốc.[230] Cũng trong năm 1947, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị Liên Xô hỗ trợ cuộc kháng chiến của họ bao gồm viện trợ quân sự và kinh tế, cung cấp chuyên gia quân sự, tuyên truyền quốc tế có lợi cho Việt Nam và giúp Việt Nam tham gia Liên Hiệp Quốc nhưng Liên Xô phớt lờ những yêu cầu này[230].

Trong tháng hai, năm 1947, người Pháp đưa các điều kiện để Hồ Chí Minh đầu hàng vô điều kiện. Hồ thẳng thừng bác bỏ những, yêu cầu người đại diện Pháp, "Nếu bạn ở vị trí của tôi, bạn sẽ chấp nhận họ chăng?... Trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn nhát". Tháng 3 năm 1947, Hồ Chí Minh kêu gọi chính phủ Pháp và người Pháp: "Một lần nữa, chúng tôi tuyên bố long trọng rằng nhân dân Việt Nam mong muốn chỉ thống nhất và độc lập trong Liên hiệp Pháp, và chúng tôi cam kết bảo đảm quyền lợi kinh tế và văn hóa Pháp..".

Ngày 19 tháng 4 năm 1947, Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến Chính phủ Pháp, đề nghị nối lại đàm phán trên cơ sở "hai nước anh em trong Liên hiệp Pháp, một liên hiệp của những người tự do, hiểu biết và yêu thương nhau". Trong khi đó, Thủ tướng Ramadier tuyên bố trong tháng 3 năm 1947, rằng: "Chúng ta phải bảo vệ cuộc sống và tài sản của người Pháp, của người nước ngoài, bạn bè ở Đông Dương của chúng ta có niềm tin vào tự do Pháp".[280]

Nhưng tất cả đều không đem lại kết quả gì, người Pháp muốn có phản ứng quân sự mạnh trước khi tính đến chuyện đàm phán. Emile Bollaert, Cao ủy Pháp mới được bổ nhiệm từ tháng 3 năm 1947, được tướng Leclerc khuyên "đàm phán bằng mọi giá". Những người thân cận ông như Pierre MessmerPaul Mus cũng thiên về chiều hướng đối thoại. Nhưng đã có hơn 1.000 binh sĩ Pháp chết hoặc mất tích, và cộng đồng người Pháp ở Đông Dương phản đối kịch liệt việc thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước mà họ chỉ gọi bằng cái tên Việt Minh, tổ chức nắm đa số trong chính phủ.

Ngày 23 tháng 4, qua Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Hoàng Minh Giám, Hồ Chủ tịch lại gửi thông điệp tới Bollaert đề nghị ngừng bắn lập tức và đàm phán. Tự tin vào ưu thế quân sự, Bollaert đáp lại bằng một loạt các điều kiện đòi quân đội Việt Nam hạ vũ khí trước khi khôi phục hòa bình. Hồ Chí Minh từ chối thẳng các yêu cầu này khi Paul Mus đến chiến khu Việt Bắc gặp ông để truyền đạt thông điệp trên.

Theo tài liệu của Mỹ, rất sớm trong chiến tranh, Pháp đã tăng nỗi ám ảnh về "âm mưu của Cộng sản Việt Nam". Đô đốc D'Argenlieu ở Sài Gòn kêu gọi một chính sách quốc tế phối hợp để các cường quốc phương Tây chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, bắt đầu với Việt Nam. Trong Quốc hội thảo luận vào tháng 3 năm 1947, một đại biểu cánh hữu cáo buộc rằng cuộc chiến tại Việt Nam đã được chỉ đạo từ Moskva: "Chủ nghĩa dân tộc ở Đông Dương là một phương tiện, cuối cùng là chủ nghĩa đế quốc Liên Xô." Cả chính phủ lẫn người dân Pháp chú ý tuyên bố tháng 1 năm 1947 của tướng Leclerc: "Chống chủ nghĩa cộng sản sẽ là một công cụ vô dụng chừng nào vấn đề của chủ nghĩa dân tộc còn chưa được giải quyết." Về phần mình, Hồ Chí Minh đã lặp đi lặp lại những lời kêu gọi Pháp ngưng chiến và công nhận nền độc lập của Việt Nam, thậm chí đề xuất rằng chính phủ của ông sẽ từ chức nếu Pháp trao cho Việt Nam độc lập. Ông nói: "Khi Pháp công nhận sự độc lập và thống nhất của Việt Nam, chúng tôi sẽ lui về làng của chúng tôi, vì chúng tôi không tham vọng quyền lực, danh dự".[281]

Diễn biến tại Lào và Campuchia

Tại Lào, sau khi thất thủ năm 1946, Lào Issara tan vỡ năm 1949. Các lực lượng kháng chiến Lào thân Việt Nam thành lập Mặt trận Lào Issara. Tháng 1 năm 1949, lực lượng kháng chiến lập các chiến khu ở Thượng Lào, Đông Bắc LàoTây Lào. Đại hội toàn quốc kháng chiến Lào nhóm họp tháng 8 năm 1950 thành lập chính phủ do Hoàng thân Souphanouvong đứng đầu. Chính phủ Souphanouvong tiếp tục trở thành Đồng minh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kế tục Chính phủ Lâm thời Lào tự do.

Thế trận những năm 1947-1949

Quân Pháp bắt giữ một người tình nghi là đối phương

Mùa hè năm 1947, lực lượng chủ lực của quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có khoảng 60.000 người, chưa kể tự vệ và du kích địa phương. Vũ khí thiếu, chủ yếu là do tự tạo và lấy được của Pháp. Yếu về hỏa lực nhưng cơ động và có hỗ trợ lớn của nhân dân, các tiểu đoàn Việt Nam ngày càng có khả năng tránh các trận càn của Pháp và tấn công đối phương lại những nơi mình lựa chọn. Quân chủ lực chính quy của Việt Nam tổ chức như quân đội phương Tây, nhưng thừa kế nhiều kinh nghiệm chiến tranh cổ truyền của Việt Nam. Việt Nam áp dụng chiến lược chiến tranh du kích của Mao Trạch Đông[282] với phương châm Trường kỳ kháng chiến[283]. Quân đội và Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức lực lượng dân quân du kích là những chiến sĩ bán quân sự, nửa bí mật nửa công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu trong lòng địch.

Hoàn thành việc đánh rộng ra vùng đồng bằng, Pháp quyết định tiến công lên Việt Bắc để sớm kết thúc chiến tranh. Ngày 7 tháng 10 năm 1947, cuộc hành quân Léa tấn công vào chiến khu Việt Bắc bắt đầu. Quân Pháp tiến nhanh nhưng đã không định vị được những nơi đóng các cơ quan đầu não của đối phương. Lực lượng vũ trang của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhanh chóng được phân tán, sử dụng du kích vận động chiến, bất thần phục kích, đánh tiêu hao quân Pháp ở những khu vực hiểm yếu. Pháp không đạt được mục đích tiêu diệt căn cứ Việt Bắc, nhưng cũng đã cắt được đường số 4 và kiểm soát biên giới Việt Trung, cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới bên ngoài.

Cuộc chiến tranh du kích tại đồng bằng gây khó khăn lớn cho Pháp. Ở mọi nơi, bộ đội Việt Nam vẫn tự do đi lại, tuyển quân, thu thuế. Có những hội tề (chính quyền làng xã trong vùng Pháp kiểm soát) được lập ra để che mắt Pháp nhưng hành động theo Việt Minh. Dân chúng gánh thóc gạo từ vùng do Pháp chiếm đóng đi đóng thuế cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đội du kích được thành lập khắp các vùng bị chiếm quấy rối quân Pháp, Pháp phải để phần lớn quân chủ lực giữ đồng bằng Bắc Bộ. Mặc dù là vùng do Pháp kiểm soát, nhưng thực chất đồng bằng màu mỡ đông dân đó vẫn là nguồn cung cấp nhân lực, hàng hóa và lương thực lớn nhất cho Việt Minh.

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cố gắng biến chiến tranh du kích thành chiến tranh chính quy bằng cách mở hàng chục chiến dịch và đợt hoạt động quy mô nhỏ trên toàn quốc. Họ thực hiện rất nhiều cuộc tấn công vào quân đội Pháp ở quy mô đại đội đến vài trung đoàn. Họ còn đưa quân sang giúp phong trào cách mạng ở các nước lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc. Tại các đô thị, phong trào đấu tranh chính trị chống Pháp cũng phát triển mạnh. Đến cuối năm 1949, lực lượng kháng chiến đã trưởng thành về mọi mặt, đủ sức thực hiện những chiến dịch quân sự lớn.[284]

Thắng lợi duy nhất của Pháp trong mùa hè này là về chính trị, khi tướng Nguyễn Bình - Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam tại Nam Bộ ra sách lược: Tổ chức lại lực lượng vũ trang các giáo phái để biên chế chính quy thành Vệ quốc đoàn. Trong năm 1947, sau những xung đột quân sự với Việt Minh và nhất là sau khi giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ mất tích (Hòa Hảo cho rằng Việt Minh thủ tiêu Huỳnh Phú Sổ) cả hai giáo phái Cao ĐàiHòa Hảo đều chấm dứt hợp tác với Việt Minh để tạm thời hợp tác với Pháp chống Việt Minh. Năm 1948, một phần lực lượng Bình Xuyên cũng hợp tác với Pháp chống lại Việt Minh.

Pháp sa lầy

Vệ quốc đoàn hành quân

Sau chiến dịch Léa, xung đột lặng xuống. Thiếu phương tiện để tiếp tục các chiến dịch tấn công, quân Pháp chỉ giới hạn trong các hoạt động vừa phải ở đồng bằng. Nhưng cũng tại đồng bằng, lực lượng vũ trang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phân tán thành các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, tổ chức thêm các đội du kích hoạt động bán công khai, sống tại nhà, vừa làm ruộng vừa chiến đấu, thực hiện các hoạt động quấy rối quân Pháp.[285] Các cán bộ của chính quyền và mặt trận Việt Minh vẫn đi lại tuyển quân, thu thuế trong vùng Pháp kiểm soát. Những vùng này vẫn tiếp tục là nơi cung cấp một số loại nhu yếu phẩm như thuốc men, lương thực, vải vóc... cho Việt Nam. Tại các chiến khu, chính quyền Việt Nam củng cố căn cứ, tổ chức tự sản xuất lương thực và vũ khí để có thể kháng chiến lâu dài.

Lực lượng vũ trang và du kích đồng bằng sông Hồng tổ chức các trận chiến quấy rối quân Pháp. Cuối chiến tranh, quân địa phương và du kích cầm giữ phần lớn quân Pháp trong vùng đồng bằng. Mỗi chuyến hàng của Pháp từ Hải Phòng về Hà Nội phải tụ thành đoàn lớn, nhiều xe tăng và lính bảo vệ mới đi thoát. Các đường bộ bị đào bới ngăn cản xe cơ giới, đường sắt bóc hết gang thép làm vũ khí.

Tại miền Trung Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát từ Hội An đến Mũi Đại Lãnh, gần như ngăn đôi đất nước. Ở miền Nam, quân Pháp ở tình thế tốt hơn do lực lượng chính trị và quân sự ở đây ở xa và liên lạc rất khó khăn với chủ lực ở miền Bắc. Lực lượng của tướng Nguyễn Bình bị đẩy về các chiến khu trong vùng ngập mặn và rừng núi, họ còn gặp sự chống đối của các giáo phái người Việt như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Năm 1948, quân Pháp tổ chức cuộc hành quân Véga nhằm phá hủy cơ quan đầu não kháng chiến ở Nam Bộ và nhiều cuộc hành quân khác vào Đồng Tháp Mười nhưng đều thất bại. Cuối năm 1949, quân đội Pháp tại Đông Dương dưới quyền tướng M. Carpentier mất quyền chủ động[286].

Cho đến thời điểm này, Hồ Chí Minh vẫn cố gắng kêu gọi Pháp hãy ngừng bắn và tôn trọng nền độc lập của Việt Nam. Ông viết[287]:

Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn. Song nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt những người Pháp quân phiệt. Nói cho rõ hơn là: Cũng như những nước độc lập khác cự tuyệt quân đội ngoại quốc đóng trên đất nước mình, nhân dân Việt Nam kiên quyết cự tuyệt quân đội Pháp đóng ở Việt Nam.

Mỹ can thiệp vào chiến tranh

Trong 3 năm đầu của cuộc chiến tranh, Mỹ đã giữ một thái độ "trung lập" nhưng ủng hộ Pháp rất rõ ràng. Mỹ chẳng muốn tự đặt bản thân vào một vị thế khó xử là công khai ủng hộ chủ nghĩa thực dân, nhưng cũng không muốn làm mất lòng Pháp - một đồng minh quan trọng ở châu Âu. Do vậy, chính quyền Truman đã bí mật trao cho Pháp nhiều khoản viện trợ về tài chính và quân sự.[288][289]

Đầu năm 1950, Hoa Kỳ bắt đầu chính thức gửi viện trợ quân sự cho Pháp ở Đông Dương. Tháng 1 năm 1951 người Pháp nhận được 20 xe tăng M24, 40 khẩu pháo 105-mm và 250 quả bom thông thường và cả bom napalm cùng đạn dược và vũ khí tự động. Tới tháng 1 năm 1953, Pháp đã nhận được 900 xe thiết giáp cùng với 15.000 xe vận tải các loại, gần 2.500 khẩu pháo, 24.000 vũ khí tự động, 75.000 vũ khí cá nhân và gần 9.000 máy radio. Ngoài ra, Không quân Pháp đã nhận được 160 máy bay F6F HellcatF8F Bearcat, 41 máy bay ném bom B-26 Invader, 28 máy bay vận tải C-47 cùng với 155 động cơ máy bay và 93.000 quả bom. Cho tới khi Pháp thất bại hoàn toàn thì phía Mỹ đã viện trợ trên 1 tỷ USD mỗi năm (tương đương khoảng 5,8 tỷ USD theo thời giá năm 2004) và chi trả 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.[290]

Trả lời nhà báo Mỹ Harold Issacs (tháng 3 năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn đối thoại sau[291]:

Hỏi: Các báo chí Mỹ thường nói rằng: Việt Nam có thể trở nên một nước chư hầu của Nga. Họ lại nói: Việt Nam là cộng sản hoặc là do cộng sản chi phối. Theo ý Cụ thì thế nào?

Trả lời: Đó là tuyên truyền láo của thực dân. Chính phủ Việt Nam gồm có đại biểu các đảng phái, như tôn giáo, dân chủ, xã hội, mác xít. Có nhiều Bộ trưởng không vào đảng phái nào. Lại có một vị hoàng tộc. Sao gọi được là cộng sản chi phối.
Hỏi: Cụ có sợ Việt Nam trở thành một nước chư hầu của nước nào không?
Trả lời: Không, tôi không sợ.
Hỏi: Chính sách của Mỹ ở Á Châu là thế nào?
Trả lời: Chỉ đứng về phía Việt Nam mà nói, thì chúng tôi tiếc rằng Mỹ đã tiếp tế khí giới cho Pháp giết hại người chúng tôi, phá phách xứ sở chúng tôi.

Trả lời nhà báo Mỹ A. Steele của tờ New York Herald Tribune (tháng 10 năm 1949), Hồ Chí Minh nói: "Người ta lẫn lộn Việt Minh, một tổ chức yêu nước của dân tộc với Việt Nam, vốn là một quốc gia. Sự tuyên truyền giả dối của Pháp, và quan niệm sai lầm cho mọi phong trào giải phóng dân tộc và mọi sự cải cách xã hội đều là cộng sản... Tôi muốn hỏi nhân dân Mỹ một câu này, và mong ông cho tôi biết những câu trả lời của nhân dân Mỹ: Nếu Pháp hoặc một ai khác xâm phạm nước Mỹ, giết người đốt phá thành phố và làng mạc Mỹ, với mục đích là để bắt người Mỹ làm nô lệ, thì nhân dân Mỹ sẽ đối phó như thế nào?"[292]

Trên báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh kêu gọi:

"Lâu nay đế quốc Mỹ đã công khai can thiệp vào Đông Dương. Lâu nay thực dân Pháp làm chiến tranh ở Việt Nam, Cao MiênAi Lao là nhờ tiền bạc, súng đạn Mỹ, và theo chỉ thị của Mỹ... Muốn độc lập thì các dân tộc Đông Dương quyết phải đánh tan thực dân Pháp là kẻ thù số một. Đồng thời phải chống bọn can thiệp Mỹ. Chúng can thiệp càng mạnh, ta càng đoàn kết và chiến đấu mạnh hơn, chống cự mạnh hơn. Ta phải vạch rõ âm mưu của chúng cho nhân dân đều thấy, nhất là nhân dân ở vùng bị tạm chiếm. Ta phải lột mặt nạ và phá tan bọn người cam tâm làm chó sǎn cho đế quốc Mỹ để dụ dỗ lừa bịp, chia rẽ nhân dân ta. Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với dân tộc anh em Miên, Lào thì sức mạnh đó đủ đánh tan thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đế quốc Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, đế quốc Mỹ sẽ thất bại ở Đông Dương. Chúng ta gặp nhiều khó khǎn. Nhưng chúng ta nhất định thắng lợi."[293]

Giải pháp Bảo Đại

Đầu năm 1947, D'Argenlieu bị triệu hồi về nước do bị người Việt Nam và các đảng phái cánh tả Pháp căm ghét. Trước áp lực của các đảng phái cánh tả Pháp như Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Xã hội Pháp, Thủ tướng Ramadier - một đại biểu xã hội chủ nghĩa, thông báo rằng chính phủ của ông ủng hộ nền độc lập và thống nhất cho Việt Nam: "Độc lập trong Liên hiệp Pháp [và] liên minh của ba nước An Nam, nếu người dân An Nam mong muốn nó" và Pháp sẵn sàng đàm phán hòa giải "với những đại diện chân chính của Việt Nam"[279].

Ngay sau đó, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp quyết định sẽ ủng hộ Bảo Đại đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam. Tháng 5 năm 1947, Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp cử phái đoàn đến Hồng Kông gặp Bảo Đại để thuyết phục ông này thành lập một Chính phủ Trung ương và đàm phán với Pháp về nền độc lập của Việt Nam.[294] Sau đó, Pháp cử đại diện gặp Bảo Đại đề xuất về việc đàm phán về nền độc lập của Việt Nam và việc thành lập một chính phủ Việt Nam độc lập. Bảo Đại được Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp bao gồm các lực lượng chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, Đại Việt Quốc dân đảngViệt Nam Quốc dân Đảng hậu thuẫn.[295] Đây là những tổ chức chính trị hoặc tôn giáo từng tham gia chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hay hợp tác với Việt Minh chống Pháp nhưng do xung đột với Việt Minh nên chuyển sang ủng hộ Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam.

Theo sử gia William Duiker, đây là việc né tránh vấn đề điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh. Thực chất mục đích của Pháp là tìm cách xây dựng một chính quyền bản xứ người Việt để làm đối trọng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và để thuyết phục Mỹ viện trợ kinh tế và quân sự để Pháp có thể tiếp tục đứng chân tại Đông Dương[296], bởi trong hiệp ước không có quy định rõ ràng nào về nghĩa của chữ "độc lập" cũng như quyền hạn của Quốc gia Việt Nam, cũng không nói rõ việc thành lập Quốc gia này có thể ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Việt – Pháp hiện vẫn tiếp diễn.[297]

Ngày 7 tháng 12 năm 1947, Bảo Đại và Pháp ký Hiệp định vịnh Hạ Long, trong đó Pháp cam kết mập mờ về nền độc lập dân tộc của Việt Nam. Những chính trị gia trong Mặt trận Thống nhất Quốc gia Liên hiệp và Ngô Đình Diệm đã chỉ trích hiệp định này là kém quá xa so với một nền độc lập thực sự. Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại và Bollaert ký Hiệp định Vịnh Hạ Long thứ hai, Pháp "long trọng công nhận độc lập" của Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát quan hệ ngoại giao và quốc phòng, đồng thời trì hoãn việc chuyển các giao chức năng khác của chính quyền sang những cuộc đàm phán trong tương lai.[227]

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại và Bollaert ký kết Hiệp định tại Vịnh Hạ Long trong đó Pháp tuyên bố "trịnh trọng công nhận nền độc lập của Việt Nam", nhưng đặc biệt Pháp chỉ giữ lại quyền kiểm soát công tác đối ngoại và quân đội, việc chuyển giao các chức năng khác của chính phủ sẽ được giải quyết ở các cuộc thương lượng sau. Thực tế người Việt Nam (Quốc gia Việt Nam) chẳng được trao cho quyền hành gì. Việt Minh chỉ trích Bảo Đại là xấu xa[ai?], tội lỗi vì đã giành được hai chữ độc lập trong thỏa thuận với Pháp, điều mà Hồ Chí Minh đã cố gắng giành giật ở Hội nghị Fontainebleu nhưng không được. Sau khi ký Hiệp định này, Bảo Đại sang châu Âu. Ngày 25 tháng 8 năm 1948, Bảo Đại báo cho phía Pháp biết ông sẽ không về nước nếu chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ không bị hủy bỏ. Ngày hôm sau, các bộ trưởng ở Paris phát biểu: "thật sự hắn đã bắt đầu bất chấp cả chúng ta". Có khá nhiều điều cho thấy Bảo Đại không phải chỉ là một tên bù nhìn và "vua hộp đêm" như mọi người vẫn tưởng. Bảo Đại đã ký Hiệp định Elysée để nhằm một khi nắm chính quyền, ông có thể chơi ván bài quốc tế theo kiểu của ông. Ông đã đặt lòng tin vào sự ủng hộ của Mỹ mà ông hy vọng sẽ kiềm chế được Pháp và cung cấp cho Việt Nam viện trợ kinh tế cần thiết. L.A Patti nhận xét Bảo Đại vừa là một nhà chính trị vừa là một người dân tộc chủ nghĩa.[298]

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập Quốc gia Việt Nam là quốc gia độc lập hội viên trong khối Liên hiệp Pháp[227], đứng đầu là Quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên, chính quyền Quốc gia Việt Nam rất yếu ớt do các quyền quan trọng về quân sự, tài chính và ngoại giao đều do người Pháp nắm giữ và quyền hành cao nhất ở Đông Dương trên thực tế là Cao ủy Đông Dương của Liên hiệp Pháp[227].

Lính Quốc gia Việt Nam làm lễ chào cờ Pháp và Quốc gia Việt Nam, ảnh chụp tại Bắc Ninh năm 1951

Tướng Georges Revers, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái sang Việt Nam để nghiên cứu tình hình (tháng 5, 6 năm 1949) và sau đó đã viết:

"Hồ Chí Minh đã có khả năng chống cự lại với sự can thiệp của Pháp lâu đến như thế, chính là vì nhà lãnh đạo Việt Minh đã biết tập hợp chung quanh mình một nhóm những người thực sự có năng lực… Ngược lại, Bảo Đại đã có một chính phủ gồm độ 20 đại biểu của toàn các đảng phái ma, trong số đó đảng mạnh nhất cũng khó mà đếm được 25 đảng viên"[299].

Người Pháp trì hoãn một cách có tính toán việc thi hành Hiệp ước Élysée với Quốc gia Việt Nam. Quân đội của họ tiếp tục tham chiến tại Việt Nam, nhân viên hành chính tiếp tục làm việc ở các cấp chính quyền; Quốc gia Việt Nam chẳng được trao cho một chút quyền hành thực sự nào, như bấy giờ người ta nói, Quốc gia Việt Nam chỉ là một sự nguỵ trang cho nền cai trị của Pháp.[300].

Theo hiệp ước giữa Quốc gia Việt Nam và Pháp, một số đơn vị của Pháp được chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam. Ban đầu các đơn vị này vẫn do các sĩ quan Pháp chỉ huy nhưng sẽ được thay thế dần bằng các sĩ quan người Việt tốt nghiệp các cơ sở đào tạo sĩ quan do Quốc gia Việt Nam thành lập với sự trợ giúp về mọi mặt huấn luyện đào tạo quân sự của Pháp và Mỹ[301][302]. Ngoài ra các trung tâm và các trường huấn luyện của Mỹ bắt đầu chọn, đưa người từ Việt Nam sang học ở Mỹ.[301] Quân đội Quốc gia Việt Nam là quân đội riêng, độc lập với quân đội Liên hiệp Pháp, nhưng toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp tại Đông Dương được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp. Quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập nhưng được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt[303].

Ngày 19 tháng 7 năm 1949, Vương quốc Lào được Pháp công nhận độc lập (nhưng hạn chế) trong Liên hiệp Pháp[304], Hiến pháp năm 1947 được sửa đổi. Hiệp ước tiếp theo ký ngày 22 tháng 10 năm 1953 công nhận nền độc lập toàn diện của Lào. Ngày 8 tháng 11 năm 1949, Vương quốc Campuchia giành độc lập (hạn chế) trong Liên hiệp Pháp[227][305]. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1953, Campuchia mới được Pháp công nhận độc lập toàn diện[306].

Sau đó, chịu sức ép của Mỹ và để xoa dịu mâu thuẫn[307], Pháp dần ký những hiệp ước trao cho Quốc gia Việt Nam các quyền tự trị về quân sự, tài chính, thuế quan, xuất nhập cảnh...[295] Các cơ quan chức năng do Pháp nắm giữ được chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam trong những năm sau đó.[295] Tuy nhiên Quốc gia Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn cung tài chính từ Pháp và các hoạt động quân sự của Quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn nằm dưới sự chỉ đạo của một Uỷ ban quân sự mà Tư lệnh là một sĩ quan Pháp.

Sĩ quan Pháp trao huân chương cho binh lính quân đội Quốc gia Việt Nam.

Kỳ thực Pháp coi giải pháp Bảo Đại chỉ là do tình thế thúc ép, họ không tin tưởng và tôn trọng chính phủ này. Năm 1949, Tổng tham mưu trưởng lục quân Pháp, đại tướng Revers sau chuyến khảo sát tình hình Đông Dương đã có bản tường trình mật trong đó viết: "Vấn đề điều đình với Việt Nam thì tìm những người quốc gia chống cộng để điều đình. Giải pháp Bảo đại chỉ là một giải pháp thí nghiệm, nhưng chế độ Bảo Đại là một chế độ ung thối với sự tham nhũng, buôn lậu đồng bạc, buôn lậu giấy phép nhập cảng, những khu chứa cờ bạc đĩ điếm..." (Trung tâm du hí Đại thế Giới ở Chợ Lớn được chính phủ Bảo Đại cho phép công khai sòng bạc và chứa mại dâm để kiếm chác). Bản tường trình sau đó bị lộ khiến chính phủ Pháp "muối mặt", và Revers bị cho về hưu non sau khi ra khai trình tại Hội đồng tối cao quân lực. bản thân Bảo Đại cũng nhận xét rằng: "Cái được gọi là giải pháp Bảo Đại hóa ra là giải pháp của người Pháp."[308]

Tháng 10 năm 1951, nghị sĩ John F. Kennedy - về sau trở thành Tổng thống Mỹ - đã đến Việt Nam để khảo sát. Lúc đó, Mỹ đã tài trợ một cách hào phóng cho chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương, nhưng Kennedy tự hỏi: tại sao viện trợ Mỹ vẫn không thể giúp Pháp chiến thắng? Ông đã hỏi tướng De Lattre, Cao ủy kiêm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương rằng: “Tại sao ông có thể trông mong người Việt Nam (Quốc gia Việt Nam) chiến đấu (chống lại Việt Minh) để duy trì nước họ như một bộ phận của Pháp?". Về lại Mỹ, Kennedy phát biểu ngày 15 tháng 11 năm 1951 trên đài phát thanh[309]:

“Các xứ Đông Dương là những chính phủ bù nhìn, những lãnh địa của các ông hoàng (chỉ cựu hoàng Bảo Đại và các quốc vương Lào và Campuchia) thuộc Pháp với tài nguyên to lớn nhưng là những ví dụ điển hình của đế quốc và thực dân mà người ta có thể thấy bất kỳ nơi đâu… Ở Đông Dương, chúng ta [Mỹ] đang liên kết với nỗ lực tuyệt vọng của một đế chế Pháp muốn bám lấy những mảnh còn lại của đế quốc”. Kết quả là (chúng ta) không có sự ủng hộ sâu rộng của nhân dân Việt Nam đối với chính phủ bản xứ (tức chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại)”

Trả lời điện báo của một nhà báo quốc tế tháng 3 năm 1948 khi thông báo tin Bảo Đại chịu nhận điều kiện quân đội người Việt Nam sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: "Ông Vĩnh Thuỵ (tên thật của Bảo Đại) là Cố vấn của Chính phủ Việt Nam. Ông ấy không thể đàm phán hoặc hành động gì trước khi Chính phủ Việt Nam đồng ý. Vả chǎng, nếu quân đội và ngoại giao Việt Nam ở dưới quyền Pháp tức là Việt Nam chưa được độc lập hẳn và vẫn là thuộc địa của Pháp. Điều kiện như thế thì ngoài bọn phản quốc ra, không có một người Việt Nam nào chịu nhận, Cố vấn Vĩnh Thuỵ cũng vậy. Hơn 80 nǎm dưới quyền thống trị của Pháp, nhân dân Việt Nam đã nếm đủ sỉ nhục và đau khổ. Nhân dân Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ lần nữa."[310]

Khi trả lời điện phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo (Trung Hoa Dân Quốc) ngày 3 tháng 4 năm 1949, chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời câu hỏi về hiệp định Elysée như sau:

"Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai. Ngay nhân dân Pháp và dư luận thế giới cũng đã hiểu rõ và tố cáo điều đó. Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam, thì mới có thống nhất và độc lập... Vĩnh Thụy trở về với 10.000 viễn binh Pháp, để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước, đó là sự thực... Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân. Quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh tan tất cả âm mưu của thực dân, quyết kháng chiến để tranh cho kỳ được độc lập và thống nhất thật sự."[311][312].

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: "Với việc mở đường cho chủ nghĩa thực dân mới vào Việt Nam, De Lattre đã mang đến cho ta một hiểm hoạ lâu dài"[313].

Giai đoạn 1950-1954

Chiến dịch Biên giới 1950

Trong năm 1950, cuộc chiến có sự thay đổi quan trọng, chuyển sang một giai đoạn mới. Nhờ sự viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đồng minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định chuyển từ giai đoạn phòng ngự sang giai đoạn tổng phản công. Ngày 2 tháng 2 năm 1950, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 20/SL tổng động viên nhân lực, tài lực của nhân dân để thực hiện tổng phản công[314]. Họ kêu gọi nhân dân tiến hành chiến tranh du kích trên tất cả những địa bàn mà họ xâm nhập được. Từ du kích, họ lại tiếp tục chọn lọc để xây dựng bộ đội chính quy, cộng thêm thế hệ tân binh chiêu mộ được từ các tỉnh đông dân. Quy mô quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phụ thuộc vào cơ số vũ khí mà họ có khả năng trang bị.

Sau chiến dịch Việt Bắc, Việt Minh dần dần tổ chức lại bộ máy và lực lượng, bắt đầu tổ chức những trận đánh quy mô chống lại Pháp. Tháng 1 năm 1950, Việt Minh mở một loạt các chiến dịch quân sự uy hiếp trực tiếp đồng bằng sông Hồng. Từ tháng 2 năm 1950 đến tháng 4 năm 1950, Việt Minh thực hiện những chiến dịch quy mô lớn nhằm kiểm soát Đông Bắc Bắc Bộ.[286] Trong năm 1950, các lực lượng vũ trang của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hoàn chỉnh về biên chế, thống nhất với tên gọi Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Về phía Pháp, chiến tranh đã vào thế sa lầy tuy họ đã dùng đến 40-45% ngân sách quân sự và 10% ngân sách nhà nước. Với sự nổ ra của Chiến tranh Triều Tiên vào tháng 6 năm 1950, Mỹ thay đổi thái độ về cuộc xâm lược của Pháp tại Đông Dương, coi Triều Tiên và Việt Nam là hai chiến trường phụ thuộc lẫn nhau trong cuộc chiến của phương Tây chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tổng thống Mỹ Harry S. Truman tuyên bố sẽ viện trợ quân sự trực tiếp cho các nỗ lực của quân Pháp tại Đông Dương[315].

Trước năm 1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn giữ đường lối cân bằng trong quan hệ quốc tế. Năm 1948, Đảng Cộng sản Đông Dương lúc này đang hoạt động bí mật dưới danh nghĩa Việt Minh nhắc nhở các cấp uỷ không viết bài công kích Hoa Kỳ trong các tài liệu tuyên truyền và duy trì đường lối trung lập. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các lãnh đạo Trung Quốc đã thuyết phục Stalin công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xua tan nghi ngờ của Stalin về tính chất hai mặt của Hồ Chí Minh khi hợp tác với tình báo Mỹ và giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 30/1 năm 1950, Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đồng ý viện trợ vũ khí cho họ chống Pháp. Cùng ngày, Đảng ban hành một chỉ thị bí mật cho phép thể hiện xu hướng chống Mỹ trên các tài liệu tuyên truyền chính thức. Tháng 4 năm 1950, tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Trường Chinh, khẳng định Việt Nam, cũng giống như Trung Quốc, đã lựa chọn phong trào cộng sản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Stalin đồng thời loại bỏ tư tưởng trung lập theo kiểu Tito. Ngày 20/7 năm 1950, khi trả lời cuộc phỏng vấn với đại diện Đảng Cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh phát biểu công khai lên án chủ nghĩa đế quốc của Mỹ và sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề nội bộ Việt Nam. Hồ Chí Minh tuyên bố hành động viện trợ vũ khí cho Pháp mà Mỹ đang thực hiện là sự phản dân chủ và tương tự như một cuộc xâm lăng. Trong chuyến đi tới Moscow, Hồ Chí Minh hết lời ca ngợi Stalin và chủ nghĩa Stalin, thậm chí ông còn sáng tác một bài thơ ca ngợi Stalin.[230]

Để lấy lại thế chủ động, Pháp thực hiện tăng cường hệ thống phòng ngự đường số 4, khoá biên giới Việt-Trung: cô lập căn cứ địa Việt Minh với bên ngoài, thiết lập hành lang Đông-Tây, cô lập Việt Bắc với đồng bằng Bắc bộ, chuẩn bị lực lượng để tấn công Việt Bắc lần 2 để tiêu diệt đầu não Việt Minh.

Hình ảnh du kích quân hành quân ở vùng núi biên giới trong tranh Nhớ một chiều Tây Bắc của Phan Kế An

Về phía Việt Minh, Bộ chỉ huy Việt Minh nhận định đúng ý đồ của Pháp nên nhanh chóng vạch kế hoạch chủ động tấn công để mở cửa biên giới, khai thông bàn đạp để nhận viện trợ của Trung Quốc, Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa. Theo chủ trương này, đầu tháng 7 năm 1950, Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh quyết định chọn hướng chiến dịch là Cao Bằng – Lạng Sơn.

Chiến dịch Biên giới bắt đầu ngày 16 tháng 9 năm 1950, diễn ra trong ba đợt. Đợt 1, ngày 16 tháng 9, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành đánh công kiên quy mô tương đối lớn, có hiệp đồng giữa các binh chủng tấn công cứ điểm Đông Khê nhằm cô lập Cao Bằng, và đến ngày 18, cứ điểm Đông Khê hoàn toàn thất thủ dù quân Pháp đã huy động cả không quân yểm trợ. Sự kiện này làm mất một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ đường số 4 của Pháp. Sang đợt hai, quân Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng, đồng thời thực hiện cuộc "hành quân kép", gửi tiếp viện từ Lạng Sơn qua Thất Khê nhằm tái chiếm Đông Khê. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bố trí thế trận phục kích, bao vây sau đó lần lượt tiêu diệt cả hai cánh quân Pháp từ Thất Khê lên lẫn từ Cao Bằng rút về. Qua đợt ba, quân Việt Nam tiến hành truy kích quân Pháp rút chạy đồng thời liên tục quấy rối, không cho họ chuyển quân tiếp viện cho mặt trận Cao-Bắc-Lạng.

Dưới sự uy hiếp của Quân đội Nhân dân Việt Nam và sự hoang mang của bộ chỉ huy Pháp, đến ngày 22 tháng 10 năm 1950, quân Pháp phải rút bỏ hoàn toàn khỏi các cứ điểm còn lại trên đường 4 như Thất Khê, Na Sầm, Đồng Lập, Lạng Sơn... Đến ngày 17 tháng 10, sau khi đã đạt được toàn bộ các mục tiêu đề ra, Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ động kết thúc chiến dịch.

Thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến dịch này đã làm phá sản chiến lược quân sự chính trị của Pháp, phá được thế bị cô lập của căn cứ địa Việt Bắc, khai thông một đoạn biên giới dài, nối Việt Bắc với các đồng minh lớn thành một dải liên tục đến tận châu Âu, mở đầu cầu tiếp nhận viện trợ. Vành đai đồn bốt bao vây Việt Bắc đã bị phá hủy hoàn toàn. Đồng thời chiến dịch này đã gây nên không khí chủ bại và hoảng sợ tại Hà Nội. Bộ chỉ huy Pháp được cải tổ, nhiều sỹ quan bị cách chức và tướng Jean de Lattre de Tassigny lên nắm quyền chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Kể từ đây Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu chuyển sang thế chủ động tấn công. Cũng từ năm 1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu nhận được viện trợ từ các nước Xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh Pháp được Mỹ giúp sức muốn nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh còn thế và lực của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa thực sự lớn mạnh, viện trợ này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chiến tranh phát triển

Không còn hy vọng tiến công hay bao vây chiến khu Việt Bắc, Pháp tổ chức Phòng tuyến Tassigny để bảo vệ vùng đồng bằng. Từ khi chuyển sang chủ động tiến công, các chiến dịch liên tiếp của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Chiến dịch Trung Du, Chiến dịch đường 18, Chiến dịch Hà Nam Ninh - đã bóc vỏ Phòng tuyến Tassigny khỏi đồng bằng, buộc Pháp duy trì một lực lượng lớn bên trong để bảo vệ vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bác sĩ Pháp chăm sóc cho một binh sĩ Việt Minh bị thương.

Từ cuối năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt đầu thực hiện các trận chiến quy mô lớn theo kiểu kinh điển. Nhưng họ đã phải chịu thiệt hại lớn, các chiến dịch Trung du, Đường 18Hà Nam Ninh bị thất bại trước quân Pháp do tướng Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy. Chiến dịch Hòa Bình mà de Lattre mở vào tháng 11 năm 1951 đã trở thành "cối xay thịt" đối với cả hai bên. Khi trận đánh kết thúc vào tháng 2 năm 1952, Quân đội Nhân dân Việt Nam chịu thương vong không nhỏ, nhưng họ đã học được cách đối phó với chiến thuật và vũ khí của Pháp, và họ đã thâm nhập được sâu hơn vào trong vòng cung phòng thủ của Pháp.

Đầu năm 1951, Pháp xây dựng phòng tuyến quân sự tại đồng bằng Bắc Bộ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của Việt Minh từ miền núi và trung du vào đồng bằng Bắc Bộ. Họ xây dựng khoảng 800 lô cốt. Xung quanh các lô cốt là vành đai trắng có bán kính 5–10 km. Tại các vành đai trắng Pháp tăng cường kiểm soát dân chúng để họ không thể tiếp tế cho Việt Minh. Pháp còn mở nhiều cuộc càn quét tại các vùng tranh chấp để tìm diệt Việt Minh. Trong các cuộc càn quét này quân đội Pháp và quân đội Quốc gia Việt Nam đã đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp, giết hại nhiều người dân vô tội bị nghi ngờ ủng hộ Việt Minh.[316]

Cuối năm 1952, Quân đội Nhân dân Việt Nam mở Chiến dịch tiến công Tây Bắc giải phóng thị xã và hầu hết Sơn La cùng các khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái (2 huyện), Lai Châu (4 huyện). Cuộc tấn công vào Phú Thọ để cứu vãn tình thế của Salan thất bại. Salan liền cho củng cố Nà Sản, xây dựng vị trí này như một "con nhím" xù lông để chặn bước tiến của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ở miền Trung, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng. Vùng kiểm soát của Pháp ở Tây Nguyên đã bị thu hẹp lại chỉ còn vài vùng ven biển hẹp ở quanh Huế, Đà Nẵng, và Nha Trang. Những khu vực duy nhất mà Pháp còn có thể thành công là Nam Kỳ và Campuchia.

Mùa xuân năm 1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức một lực lượng lớn tiến công quân Pháp ở Lào, với sự hỗ trợ của Quân đội Chính phủ Souphanouvong. Do hậu cần quá xa nên Quân đội Nhân dân Việt Nam không tiến công quân Pháp ở Cánh đồng Chum. Đây được coi là thành công lớn của Pháp.

Ở các vùng khác, Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công phối hợp đồng bộ từ Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Bộ, buộc Pháp phân tán xé lẻ khối quân cơ động. Việt Minh tiến đánh Tây Bắc, Pháp không còn lực lượng cơ động để ứng cứu, hình thành Chiến cục đông-xuân 1953-1954.

Kế hoạch Navarre

Tháng 7 năm 1953, chỉ huy mới của Pháp, tướng Henri Navarre, đến Đông Dương. Được sự hứa hẹn về việc Mỹ tăng viện trợ quân sự, Navarre chuẩn bị cho một cuộc tổng phản công mà báo chí Pháp và Mỹ gọi là "Kế hoạch Navarre".

Bản đồ Đông Dương tháng 7 năm 1954, Nguồn: The Pentagon Papers Gravel Edition, Volume 1, Chapter 3, "The Geneva Conference, May-July, 1954", page 123 (Boston: Beacon Press, 1971)

Ngày 18 tháng 7 năm 1953, Navarre mở cuộc hành quân Hirondelle ("Con én") vào Lạng Sơn và cuộc hành binh "Camargue" vào Quảng Trị nhằm phá hủy được một số dụng cụ và máy móc của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở Lạng Sơn, quân Pháp lùng sục các kho tàng rồi vội vã rút chạy. Sau đó truyền thông Pháp loan tin quân đội đã diệt được hai tiểu đoàn, một số căn cứ trong khu tam giác là mối đe dọa trên quốc lộ số 1.

Liên tiếp với hai cuộc hành quân này, ngày 9 tháng 8 năm 1953 Pháp rút quân ra khỏi Nà Sản bằng không vận. Trước đây, năm 1952, Pháp đặt cứ điểm Na Sản để ngăn Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến công quân Pháp ở Lào.[317]

Ngày 15 tháng 10 năm 1953, Navarre mở Cuộc hành quân Moutte vào Ninh Bình và Thanh Hóa hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường chính. Mục đích chính lại là phá các căn cứ hậu cần tiền duyên của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc tiến công 1953-1954 được cho là sẽ diễn ra ở đồng bằng. Nhưng thực sự trong kế hoạch Quân đội Nhân dân Việt Nam được đề ra hồi tháng 9, đồng bằng Bắc Bộ chỉ là chiến trường phối hợp. Cuộc hành quân Moutte diễn ra là sự suy đoán sai của Navarre cùng sự xuất sắc của bộ đội mật mã Việt Nam.

Ngày 12 tháng 4 năm 1953 Quân đội nhân dân Việt Nam tiến quân sang Lào. Chính phủ Vương quốc Lào lên án "Việt Minh xâm lược".[318]

Tháng 11 năm 1953, Navarre mở cuộc hành quân Castor đánh chiếm Điện Biên Phủ - Khu vực mà ông cho rằng có vị trí chiến lược chặn giữa tuyến đường chính của Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Lào. Navarre xem căn cứ này vừa là một vị trí khóa chặn, vừa là một cái bẫy để nhử đối phương vào một trận đánh lớn theo kiểu kinh điển và có tính chất quyết định mà tại đó Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ bị tiêu diệt bởi pháo binh và hỏa lực không quân vượt trội của Pháp. Navarre đã chọn Điện Biên Phủ - vùng đất nằm trong một thung lũng lớn, cách Hà Nội 200 dặm đường không, với sự chi viện của khoảng 400 máy bay. Quân Pháp sau những trận đánh nống thất bại đã nhường các điểm cao xung quanh cho Quân đội Nhân dân Việt Nam, Navarre cho rằng khi đó Quân đội Nhân dân Việt Nam không đủ khả năng đưa pháo lên Điện Biên Phủ nên sẽ không có nguy hiểm gì từ các điểm cao. Điện Biên Phủ được Navarre xem như là một "cái nhọt tụ độc", hút hết phần lớn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam và đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ.

Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang nghĩ tới một cuộc tấn công, hy vọng sẽ mở được một con đường xuyên Lào thọc qua Campuchia. Sau đó đưa lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Bắc vào chi viện bổ sung cho lực lượng sẵn có ở Nam Bộ. Trong cuộc họp tháng 11 năm 1953 của Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các chỉ huy quân sự quyết định mở Chiến cục đông-xuân 1953-1954 để xé lẻ khối quân chủ lực của Pháp đang co cụm đồng bằng Bắc Bộ. Các vị trí tiến công được xác định ở Lai Châu, Trung-Hạ Lào và Tây Nguyên. Ý tưởng tuyến đường chiến lược xuyên Lào sẽ được thực hiện một phần trong tương lai thông qua con đường mòn Hồ Chí Minh.

Trận Điện Biên Phủ

Chiến dịch Lai ChâuChiến dịch Trung Lào tháng 12 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954 đã giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam nắm giữ mảng lớn còn lại của vùng Tây Bắc (Điện Biên Phủ chỉ là một thung lũng nhỏ) và phần lớn vùng Trung và Nam Lào.[319]

Để đối phó, Navarre tăng cường cho Điện Biên Phủ khiến nó trở thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" trong con mắt phương Tây. Nhưng Navarre không hề biết rằng bản thân đã rơi vào một cái "bẫy" của Võ Nguyên Giáp khi "đặt bẫy" đối thủ của mình. Việc xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở vùng núi Tây Bắc hiểm trở đã hút đi của Pháp những đơn vị thiện chiến nhất. Điều đó tạo nên khoảng trống không thể bù vào ở đồng bằng Bắc Bộ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định vào "bẫy", và đưa vào Điện Biên Phủ 4 sư đoàn với một số lượng lớn pháo xấp xỉ quân Pháp ở Điện Biên Phủ, dù dự trữ đạn pháo khá hạn chế (chủ yếu là thu được của Pháp; phần Trung Quốc viện trợ rất hạn chế do nước này đang tham chiến tại Triều Tiên). Những cuộc tiến công trên toàn Đông Dương không cho Pháp tập hợp một đội quân cơ động để ứng cứu Điện Biên Phủ. Những đơn vị phòng không đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được huấn luyện ở Liên Xô đã về nước tham chiến. Một lực lượng khổng lồ dân công làm công tác vận tải. Các đơn vị mạnh nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành bao vây quân PhápĐiện Biên Phủ.

Cuộc vây hãm Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 thì quân Pháp đầu hàng. Trong thời gian chiến dịch, Pháp không có khả năng xoay chuyển tình thế nên đã đề nghị Mỹ cứu viện. Tại Washington đã có cuộc tranh luận về việc Mỹ có nên trực tiếp can thiệp bằng quân sự để cứu viện cho Pháp, có tướng lĩnh còn đề nghị thả bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ. Nhưng tổng thống Eisenhower đã quyết định loại bỏ khả năng đó do chính quyền Anh sẽ không ủng hộ. Không quân Mỹ sẽ thả vũ khí tiếp viện cho quân Pháp, nhưng quân Mỹ sẽ không đổ bộ vào Việt Nam.

Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ chiến thắng trên nóc hầm chỉ huy của Pháp tại Điện Biên Phủ

Cục diện chiến trường Đông Dương, tại thời điểm trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát khoảng 2/3 lãnh thổ Việt Nam, nhưng chủ yếu là các vùng nông thôn và rừng núi, một số thị xã nhỏ, chưa kiểm soát được các thành phố lớn. Pháp kiểm soát một số tỉnh đồng bằng và các thành phố lớn đông dân cư, một số tỉnh đồng bằng nằm trong vùng tranh chấp. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát gần như toàn bộ miền Bắc Việt Nam (trừ một số thành phố, thị xã như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Yên, Móng Cái...), hầu hết Bắc Trung Bộ (trừ duyên hải nhỏ Quảng Bình đến Quảng Nam), hầu hết Trung Trung Bộ (gồm cả Quảng Ngãi, Quy Nhơn...), vùng Bắc Tây Nguyên, một phần nhỏ Nam Tây Nguyên, một phần cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Một phần lớn lãnh thổ Lào (vùng núi phía đông), một phần lãnh thổ Campuchia (đông bắc, nhỏ hơn là vùng rừng núi tây và tây nam, một phần đông nam) cũng thuộc kiểm soát của bộ đội Lào (đồng minh của Việt Minh). Tại Đông Nam Bộ, quân đội Pháp và quân đội Quốc gia Việt Nam chiếm ưu thế, quân đội riêng của các giáo phái tự trị cũng khá mạnh nên Việt Minh chỉ kiểm soát được các vùng nông thôn. Việt Minh hạn chế đánh lớn vì họ nhận thức được bản thân bộ đội không đủ hỏa lực đọ với Pháp - Quốc gia Việt Nam (họ rút kinh nghiệm từ những trận chiến đẫm máu vào cuối thập niên 40 đầu 50). Thay vào đó, Việt Minh tích cực xây dựng thế trận đồng bộ y hệt với các miền Bắc bộ, Trung Bộ sao cho phù hợp với địa hình Nam Bộ: Xây dựng quân du kích và lực lượng nằm vùng để dễ bề tranh chấp. Việt Minh không đánh với tổ chức cấp sư đoàn, mà chỉ cơ động ở các quy mô tiểu đoàn. Cuối chiến tranh, riêng tại Nam Bộ quân số tương đương 2-3 đại đoàn Việt Minh được tập kết ra Bắc; một số tiểu đoàn nổi tiếng: 303, 307.

Sau 56 ngày đêm, cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, toàn bộ 16.200 quân Pháp bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong toàn bộ Kháng chiến chống Pháp. Trên phương diện quốc tế trận này có một ý nghĩa rất lớn: lần đầu tiên quân đội của một quốc gia thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận thua lớn ở Điện Biên Phủ đã gây chấn động dư luận Pháp, đánh bại ý chí duy trì chế độ thực dân tại Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải rút khỏi Đông Dương. Ngày 8 tháng 5, hội nghị Geneva bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Đông_Dương http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://vietnamese.cri.cn/761/2010/05/05/1s140155_1... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/09/140902... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/208194 http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/r... http://www.daivietquocdandang.com/lichsudang.htm http://www.globusz.com/ebooks/LuisSilva/00000013.h... http://HistoryNet.com http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=... http://www.lonelyplanet.com/vietnam/history#72289